Căn biệt thự 525 m2 ở TP Thủ Dầu Một là nơi ở của gia đình ba thế hệ. Gia chủ mong muốn có một không gian sống nhiều ánh sáng, gió, cây xanh nhằm tăng tính kết nối giữa các thành viên và với thiên nhiên.
Nhóm kiến trúc sư đã thiết kế ngôi nhà trên ý tưởng không gian mở, nhiều khoảng xanh, tận dụng gió và ánh sáng, giảm thiểu ánh sáng nhân tạo (đèn điện) vào ban ngày và máy điều hòa nhiệt độ vào ban đêm.
Bao quanh biệt thự là sân vườn đóng vai trò khoảng đệm lọc tiếng ồn và khói bụi từ bên ngoài. Sự xuất hiện của cây xanh khắp nơi tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, mang lại sự thoải mái cho gia chủ.
Từ mái hiên cao 2,8 m, kiến trúc sư tạo một thác nước với chiều ngang một mét, đổ xuống bể bơi. Nước của thác này được vận hành tuần hoàn. Ngoài tạo tiếng róc rách vui tai, thác nước còn có tác dụng matxa cho gia chủ mỗi khi xuống bể bơi thư giãn. Hồ bơi không chỉ là nơi thư giãn của gia đình mà còn góp phần tạo nên lá phổi xanh cho căn nhà. Mặt nước, cây xanh trở thành điểm kết nối mềm mại giữa các không gian.
Việc sử dụng kính thay tường đặc khiến toàn bộ không gian tầng một hướng thẳng ra khu vực hồ bơi rộng 40 m2.
Ngôi nhà thiết kế theo phong cách tối giản hiện đại.
Theo kiến trúc sư, tối giản không có nghĩa là loại bỏ hết trang thiết bị trong nhà, khiến không gian nội thất trở nên khô khan, nhạt nhẽo. Nó chỉ là một cách tiếp cận, giúp ngôi nhà gọn gàng hơn.
Khu vực sinh hoạt chung với thiết kế mở, khuyến khích sự tương tác của mọi người sống trong nhà thông qua các hoạt động như nấu nướng, ăn uống, đọc sách, xem phim.
Việc tiếp xúc với thiên nhiên bên ngoài cũng góp phần níu chân mọi người ở lại khu vực mở, từ đó gần gũi nhau hơn.
Khoảng thông tầng đặt giữa nhà có tác dụng kết nối tầng trệt với tầng lầu, tạo độ thông thoáng cho bếp. Cách thiết kế này cũng khoanh vùng, tách khu bếp với khu bàn ăn, kết nối không gian tốt hơn về cả chiều đứng và chiều ngang.
Kiến trúc sư cũng thay thế bức tường phía trên khu vực bếp bằng gạch thông gió nhằm giúp thông gió chéo và tăng lượng ánh sáng lan tỏa khắp các không gian bên trong.
Khoảng thông tầng kết hợp giếng trời từ tầng một tới mái tạo ra không gian đối lưu, điều hòa không khí.
Ngoài mục đích giúp công trình thông thoáng hơn, giếng trời còn kết nối căn nhà với bầu trời, cho phép đón nắng mỗi ngày. Gia chủ sẽ dễ dàng quan sát, cảm nhận sự thay đổi của thời tiết và sự dịch chuyển của thời gian ngay cả khi ngồi trong nhà.
Nhờ khoảng thông tầng, các thành viên trong gia đình dễ dàng giao tiếp với nhau dù đang ở các tầng khác nhau.
Vì khoảng thông tầng là giếng trời với khoảng không tương đối rộng, kiến trúc sư đã bố trí thêm không gian sinh hoạt chung ở tầng hai, vừa có thể tiếp khách, đọc sách hoặc làm việc. Cách thiết kế này vẫn đảm bảo lưu thông không khí và ánh sáng nhưng được thêm một phòng nhỏ để sử dụng.
Vì gia chủ thích phong cách hiện đại đơn giản, nên nội thất không có quá nhiều đồ trang trí. Gỗ sử dụng trong nhà đều là gỗ công nghiệp HDF không co ngót hay cong vênh, mối mọt.
Màu gỗ của nội thất kết hợp với sắc sơn trắng không chỉ giúp hút sáng tự nhiên, phản chiếu ánh sáng tốt hơn mà còn tạo cảm giác rộng rãi hơn cho không gian.
Khối master bao gồm phòng ngủ, khu thay đồ, toilet... được kết nối thành một không gian độc lập. Nhờ đó, ánh sáng tự nhiên có thể tiếp cận được mọi không gian, tạo sự thoải mái và tiện lợi cho gia chủ.
Những loại cây kích thước lớn như lộc vừng và sơ ri không chỉ được trồng dưới đất mà còn được đưa lên sân thượng nhằm tạo bóng mát, sắc xanh cho không gian.
Để tăng thêm không gian và ánh sáng cho những loại cây này phát triển, kiến trúc sư đã khoét lỗ lên trần nhà để hứng sáng và đón gió.
Căn nhà khi lên đèn lung linh như một biệt thự nghỉ dưỡng.
Bản vẽ công trình.
Ngôi nhà hoàn thiện năm 2022, tổng chi phí là 5 tỷ đồng.
Trang Vy
Thiết kế: Story Architecture
Ảnh: Bùi Minh Quốc