Yêu cầu của gia chủ là có một không gian sống thuận tiện, ấm cúng cho ông bà nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho con cháu.
Nhóm kiến trúc sư đã phát triển ý tưởng về không gian sống trong ngôi nhà ba gian truyền thống.
Theo đó, chính giữ là không gian thờ, bên trái là phòng khách, phía sau là khu vực để xe, thư giãn uống trà, gian bên phải phát triển dài ra phía sau đủ làm phòng ngủ cho ba thế hệ. Kế tiếp là bếp và phòng ăn. Tất cả các không gian được bao quanh khoảng sân trong với hồ cá và cây xanh, nơi gia đình thường xuyên quây quần, tụ họp.
Theo giải thích của kiến trúc sư, tổng thể ngôi nhà là hệ mái ngói đỏ truyền thống đại diện cho thế hệ ông bà, khối vuông bê tông vươn lên đại diện cho sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ trẻ trong nhà. Ngoài tính ước lệ thẩm mỹ, khối vuông bê tông còn là nơi tránh bão lụt bởi ở địa phương mỗi khi có bão lớn thường gây tốc mái. Bởi vậy mọi người thường trú ẩn ở những nơi chắc chắn, có mái bằng bê tông. Hơn nữa khi lũ về, mái tôn và mái ngói bị dốc và thấp, không tránh trú được lâu. Khối nhà bê tông cao, bằng phẳng là nơi trú ẩn an toàn hơn cả.
Mái ngói dốc là thiết kế quen thuộc với những ngôi nhà nông thôn Việt Nam trước đây. Mái gồm hệ khung sắt, lợp bằng ngói đất nung đỏ - vật liệu địa phương rẻ và mát. Độ dốc của mái còn giúp thoát nước tốt, thoáng khí, tránh ứ đọng nước những ngày mưa.
Mảng xanh bao quanh nhà tạo ra một lớp lá chắn tự nhiên trước nhiệt độ, tiếng ồn và khói bụi đồng thời giúp căn nhà có diện mạo tươi mới, đầy sức sống.
Một hồ nước lớn chiếm gần như toàn bộ diện tích sân trong của căn nhà, giúp điều hòa và làm mát không khí. Nhờ hồ nước này mà độ ẩm trong nhà được cân bằng, không khí không bị khô.
Với thiết kế mở, các phòng công năng đều có hai mặt tiếp xúc với thiên nhiên, một mặt hướng ra hồ nước, một mặt hướng ra khu vườn bao quanh. Không gian nào cũng chan hòa ánh sáng và khí trời.
Thiết kế mở của nhà ba gian không chỉ giúp không gian thoáng sáng, đối lưu không khí tốt mà còn đáp ứng được nhu cầu trò chuyện, gắn bó của gia đình ba thế hệ khi mọi người dễ dàng tương tác với nhau dù đứng ở vị trí nào.
"Không gian quây quần quanh sân trong tạo ra sự kết nối đầm ấm cho gia đình, nên dù đi đâu ai cũng muốn nhanh chóng trở về", chủ nhà chia sẻ.
Ngoài hồ nước giữa sân, góc sân cũng có một tiểu cảnh hồ nước với tiếng suối chảy róc rách, cá cảnh bơi lội bên dưới cùng cỏ cây hoa lá sinh động, xanh mát. Không gian này trở thành môi trường lý tưởng giúp mọi người giải tỏa căng thẳng.
Hiên nhà rộng là không gian đệm lý tưởng giúp giảm cường độ ánh sáng gắt và giảm lượng nước mưa hắt vào bên trong.
Đây cũng là nơi thư giãn của gia chủ mỗi khi rảnh rỗi.
Không gian liên thông các phòng công năng, tiết chế vách ngăn, đem tới cảm giác rộng rãi, cởi mở.
Muốn lưu giữ lại sự hoài cổ, cũng như hòa hợp với nội thất màu trung tính, kiến trúc đã sử gạch hoa cùng tông nhưng có thêm họa tiết nhằm tạo điểm nhấn cho không gian phòng khách.
Tường xung quanh nhà sử dụng gạch bông gió, vừa tạo điểm nhấn, vừa lấy sáng, lấy gió. Mảng xanh cây cỏ kết hợp với gạch thông gió bằng đất nung và nền sơn sáng màu tạo nên không gian hiện đại pha chất thô mộc hòa lẫn với thiên nhiên. Giải pháp này tránh nắng gắt, đảm bảo sự thông thoáng và kín đáo cần thiết cho gia đình.
Sân vườn hạn chế sử dụng bê tông, thay vào đó là trồng cỏ để hút nước mưa đồng thời giảm bức xạ nhiệt.
Bản vẽ mặt bằng trệt. Công trình hoàn thiện sau một năm thiết kế và thi công. Tổng chi phí 3 tỷ đồng.
Trang Vy
Thiết kế: Story Architecture
Ảnh: Bùi Minh Quốc