Khác với biệt thự trên đất bằng, biệt thự ven đồi có cảnh quan đẹp, địa hình phong phú nên dễ tạo những góc nhìn đẹp cho công trình. Tuy nhiên, do địa thế nên khi thiết kế phải tạo nhiều mặt bằng phù hợp với địa hình, khó tổ chức không gian rộng. Bên cạnh đó, phải tính toán kỹ khả năng chống trượt cho công trình.
Khi chọn lô đất ven đồi, bạn nên chọn thế đất nhìn ra phía trước theo hướng tốt như hướng nam, hướng đông nam để lợi về hướng gió, hướng nắng cho quá trình sử dụng sau này. Cũng không nên gọt đất bằng rồi mới tiến hành quá trình xây dựng bởi như vậy sẽ tạo đất cao phía sau nhà, khu đất mất đi hình dáng tự nhiên sẵn có đồng thời làm giảm tính độc đáo của căn nhà. Bạn nên san nền cục bộ và xây nhà giật cấp theo thế đất, tận dụng tối đa địa hình để bố trí các phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ quay ra phía có phong cảnh đẹp. Biệt thự ven đồi thường có tầm nhìn thoáng, vì vậy nên mở những cửa sổ lớn ra phía trước, đồng thời thiết kế ban công, hàng hiên để ngắm cảnh.
Để không gây xáo trộn cảnh quan thiên nhiên, nên bố trí mặt bằng chạy theo đường đồng mức để giảm độ dốc cho ngôi nhà. Nếu giao thông đi từ dưới lên, bạn nên thiết kế garage ở phía dưới cùng, sau đó đi bộ lên không gian phía trên. Nếu giao thông đi từ trên xuống, garage ở ngoài nhà và nằm phía bên cạnh ngôi nhà, như vậy sẽ tránh được giao thông đi từ phía sau nhà.
Đối với triền dốc thoải, chỉ nên thiết kế 1 đến 2 tầng giật cấp theo thế đất. Lợi thế của biệt thự trên cốt đất dốc là tầng 1 có vườn phía trước, tầng 2 và tầng 3 vẫn có thể có vườn ở phía sau nhờ vào địa hình dốc. Hướng nhìn của ngôi nhà nên quay xuống dưới, phía thấp trồng thảm cỏ, cây bụi, hoa, phía cao trồng cây thân gỗ tạo phông cho ngôi nhà. Trong quá trình xây dựng, chú ý nên sử dụng cây cối, vật liệu địa phương để tạo bản sắc riêng cho ngôi nhà của mình. Nội thất của biệt thự ven đồi có thể thiết kế rất đa dạng dựa vào cốt đất. Với những căn biệt thự rộng có thể thiết kế giật cấp bên trong nội thất nhằm tạo các không gian đa dạng, linh hoạt.
Đối với triền đất dốc cần cân nhắc giữa giá trị cảnh quan và giá trị sử dụng vì xây dựng ở những địa thế này thường tốn kém hơn địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, những vị trí đất dốc nếu được thiết kế khéo léo sẽ đem lại cho ngôi nhà vẻ đẹp hùng vĩ được nhìn từ bên ngoài và những góc nhìn khoáng đạt ở bên trong.
Do đất đai rộng rãi, nhu cầu xây dựng không như ở đô thị nên bố cục công trình đảm bảo khoảng cách quy hoạch kết hợp tốt giữa ngôi nhà, cây xanh, địa hình với những ngọn núi thấp tạo nên cảnh quan ngoạn mục đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí của con người.
KTS Nguyễn Thành Nam
Vnkientruc